Vùng đất thiếu mưa, thừa nắng ấm no nhờ 'vua rau'

Với sản phẩm chủ lực là măng tây xanh, HTX Châu Rế đã giúp người Chăm ở địa phương từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách, làm giàu trên vùng đất thiếu mưa, thừa nắng.

Tận dụng tiềm năng và lợi thế có sẵn là vùng đất cát, chủ động áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác, những năm gần đây, diện tích trồng măng tây - cây được mệnh danh “vua của các loại rau” tại xã Phước Hải (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều gia đình đã mạnh dạn lựa chọn cây măng tây để canh tác, từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội ở địa phương.

HTX Châu Rế đưa tiến bộ kỹ thuật tưới tiết kiệm trong sản xuất măng tây VietGAP. Ảnh: Nguyễn Cơ.

HTX Châu Rế đưa tiến bộ kỹ thuật tưới tiết kiệm trong sản xuất măng tây VietGAP. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Hợp tác xã (HTX) Châu Rế (thôn Thành Tín, xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) do bà Châu Thị Xéo (dân tộc Chăm) thành lập năm 2018 gồm 37 thành viên, số vốn ban đầu 111 triệu đồng, tổng diện tích trồng măng tây trên 15ha. Đến nay, HTX đã phát triển lên 82 thành viên, tổng kinh phí hoạt động 219 triệu đồng, tổng diện tích đất trồng măng tây xanh ở cánh đồng lớn là 20ha. 

Hiện nay, HTX Châu Rế nhận thu mua toàn bộ sản lượng măng tây xanh mỗi ngày của xã viên ở làng Chăm thôn Thành Tín và bà con nông dân lân cận với giá bao tiêu sản phẩm ổn định từ 50.000 đồng/kg, tổng sản lượng măng tây xanh mà HTX xuất bán mỗi ngày từ 300 - 700kg. Cây măng tây đã mang lại thu nhập ổn định cho người trồng và duy trì hoạt động thường xuyên với 10 lao động người ở HTX.

Măng tây xanh được xem là cây trồng đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, đã được phát triển theo chuỗi giá trị và đạt chuẩn OCOP từ 3 sao đến tiềm năng 5 sao, mở ra nhiều triển vọng mới giúp nông dân phát triển kinh tế gia đình. Những năm qua, HTX Châu Rế đã hỗ trợ tiền giống, vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật trồng măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP cho nông dân, đồng thời kiểm tra, giám sát và thu mua toàn bộ sản phẩm.

Măng tây của HTX Châu Rế được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Măng tây của HTX Châu Rế được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Gia đình chị Từ Thị Ngọc Tuyết, thành viên HTX cho hay, trước đây 2 sào đất rẫy của gia đình trồng nhiều loại cây khác nhau nhưng do đất cát pha, lại thiếu nước tưới nên năng suất thấp, thu nhập rất bấp bênh. Được HTX vận động, gia đình mạnh dạn đầu tư khoan giếng, đồng thời lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và chuyển toàn bộ diện tích đất rẫy sang trồng măng tây xanh.

Chị tuyết chia sẻ: “Cây măng tây khá dễ trồng, chỉ cần bón phân theo định kỳ, hàng ngày cần tưới nước, nhổ cỏ, kiểm tra sâu bệnh, buổi sáng hái măng, thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng, nghỉ một tháng để dưỡng cây. Đến nay, vườn măng tây xanh cho thu hoạch ổn định, bình quân mỗi ngày trên 20kg măng, có thời điểm vườn cho thu hoạch 35kg măng/ngày, HTX thu mua với giá 50.000 đồng/kg, cho doanh thu hơn 1 triệu đồng/ngày. Gia đình hiện đang mở rộng diện tích trồng măng tây xanh lên thêm 3 sào trong năm nay”.

Thị trường tiêu thụ chủ yếu của măng tây xanh vẫn là xuất khẩu sang Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản... Các hộ trồng măng tây xanh đa phần được các HTX trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận thu mua với giá ổn định, các HTX tiếp cận thị trường xuất khẩu qua các công ty thu mua xuất khẩu. Ngoài ra, thị trường tiêu thụ trong nước cũng rất rộng mở.

Nhờ cây măng tây xanh, bà con người Chăm ở xã Phước Hải (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) ngày càng ấm no. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Nhờ cây măng tây xanh, bà con người Chăm ở xã Phước Hải (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) ngày càng ấm no. Ảnh: Nguyễn Cơ.

Cùng với tiếng vang "vua của các loại rau”, lại an toàn, tốt cho sức khoẻ, sản phẩm măng tây xanh rất được các nhà hàng, quán ăn và người tiêu dùng ưa chuộng, tin dùng. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, sản lượng măng tây xanh tại HTX Châu Rế ước khoảng 40 tấn, giá trị khoảng trên 2 tỷ đồng. Để nâng cao hiệu quả, HTX đã quan tâm xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm rộng rãi trên thị trường.

Với sản phẩm chủ lực là măng tây xanh, HTX Châu Rế đã giúp các hộ đồng bào người Chăm ở địa phương từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, thêm đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, áp dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuât trong quá trình canh tác và làm giàu trên vùng đất thiếu mưa, thừa nắng Phước Hải.

Nguồn: Báo nông nghiệp

Bình luận

Top